[ {{formatDate('2023-09-07T00:00:00.000Z')}}]
Tại Hội thảo Khôi phục rừng ngập mặn cho ĐBSCL do Manglub tổ chức tại Tỉnh Trà Vinh vừa qua, đại diện Cảng Gemalink và Dự án Seed for Sea đã có bài phát biểu về những nỗ lực hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm phục hồi rừng ngập mặn, góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa nông sản quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á và là nơi sinh sống của hơn 20 triệu người dân. Trong những năm gần đây, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu như hạn mặn gay gắt, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt đô thị, ô nhiễm sông ngòi; cạn kiệt nước ngầm, sụt lún đất, thủy sản tự nhiên suy giảm, đất đai kiệt sức… Các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, đang ngày càng đe dọa đến nơi ở và sinh kế của hàng triệu người trong khu vực.
Tại Hội thảo TS. Trần Thị Ngọc Bích (Đại học Trà Vinh) cho biết xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 ảnh hưởng 10/13 tỉnh ĐBSCL, cụ thể là biên độ mặn gia tăng tới 4 gam/lít đã ảnh hưởng đến 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, tương đương 1.688.600 héc-ta, cao hơn năm 2016 là 50.376 héc-ta.
Thống kê giai đoạn 2019 – 2020, hạn mặn đã ảnh hưởng tới 41.900 héc-ta lúa Đông-Xuân, gây thiệt hại 26.000 héc-ta, 6.650 héc-ta cây ăn quả, làm thiệt hại 355ha. Hàng nghìn héc-ta rau màu và hơn 8.715 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, và thứ 6 tại châu Á do hiện tượng nước biển dâng đe dọa. Theo nghiên cứu năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) 90% diện tích đất liền ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100 nếu không có hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực sông. Hơn 20 triệu người ĐBSCL có nguy cơ mất nhà cửa và sinh kế do nước biển dâng vào năm 2050, theo nghiên cứu của Climate Central năm 2019.
Cũng theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và nhiều nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới kết luận, việc trồng rừng ngập mặn là giải pháp tối ưu để chống biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Rừng ngập mặn là bức tường tự nhiên chống bão, xâm nhập mặn, và là bể chứa carbon, góp phần tăng đa dạng sinh học, sinh kế cho người dân địa phương.
Tại sự kiện, đại diện các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long đều cam kết và nhất trí về việc tiếp tục trồng mới, và phục hồi thêm nhiều diện tích rừng ngập mặn để cứu lấy ĐBSCL đang bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, ghi nhận kết quả hồi phục rừng của các tổ chức doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, tiêu biểu là Dự án trồng rừng ngập mặn “Seed for Sea”, một sáng kiến của Cảng Gemalink (thuộc hệ sinh thái Cảng - Logistics của Công ty CP Gemadept), triển khai cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp đối tác.
Trong năm 2022, với sáng kiến “Seed for Sea” - Ươm mầm Biển cả, Cảng Gemalink đã phối hợp với doanh nghiệp xã hội MangLub Việt Nam thực hiện dự án trồng mới 2 ha cây Gõ nước (cây nằm trong Sách Đỏ) đầu tiên tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Chung tay với Gemalink còn là những doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia khác đã cùng tham gia vào sáng kiến này, trồng được thêm 11 ha các loại cây ngập mặn khác như bần chua, đước đôi, v.v. theo quy hoạch của kiểm lâm địa phương.
Nối tiếp những thành quả bước đầu, Dự án “Seed for Sea” trong 2023 và tương lai gần đã và đang hợp tác sâu hơn với dân địa phương đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo để bảo tồn rừng ngập mặn, như phối hợp trồng cây ngập mặn trong hoạt động nuôi trồng khai thác thủy hải sản theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó là mở rộng phạm vi dự án tới các tỉnh khác tại ĐBSCL. Hơn thế nữa, với vai trò tiên phong, Gemadept và Cảng Gemalink tiếp tục kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Hệ sinh thái Cảng và Logistics Gemadept, trong đó Cảng Gemalink là một mắt xích quan trọng, đã và đang phát triển theo định hướng Xanh hơn và Thông minh hơn với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường nghiên cứu các giải pháp logistics linh hoạt. Gemadept đã và đang nâng cao hiệu quả hoạt động và tính bền vững của hệ sinh thái Cảng và Logistics, góp phần giảm thiểu các tác động đến môi trường, chung tay vì một hành tinh xanh hơn cho thế hệ tương lai./.