Ngày 8/7/2022, Liên Đoàn Thương Mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực (AUS4SKILL), Hội Đồng Tư Vấn Kỹ Năng Nghề Ngành Logistics (LIRC) đã phối hợp tổ chức Hội thảo ‘Tương lai cảng biển Việt Nam và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực’.
Hội thảo năm nay có nhiều đại diện ngành Cảng biển và Logistics đến từ Việt Nam và Australia, tiêu biểu có VCCI-HCM – Ông Trần Ngọc Liêm (Giám đốc), Đại diện Chương trình Aus4Skills – Bà KayeEldridge (Giám đốc), Đại diện Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành nghề Logistics LIRC – Ông Vũ Ninh (Chủ tịch) , Đại diện Kế hoạch đầu tư – Cục Hàng hải Việt Nam – Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Đại diện các Doanh nghiệp cảng có đại diện Công ty CP Gemadept – Bà Tăng Thị Phương Anh (GĐ Nhân sự), đại diện cảng Sài Gòn- Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm(TGĐ), Đại diên Cảng Cần Thơ – Ông Nguyễn Quốc Hưng (TGĐ), đại diện Cảng năng lượng Bình Dương – Bà Cao Thị Quỳnh Giao. Đại diện Ban Cố Vấn Chuyên Môn có Giáo sư Devinder Grewal, Giáo sư Thái Văn Vinh – ĐH RMIT Melbourne Úc, và nhiều đại điện nhiều doanh nghiệp và chuyên gia khác đang hoạt động trong ngành, cùng với các trường đào tạo ngành nghề Khai thác cảng và Logistics.

Tại hội thảo, các vấn đề phát triển cảng biển và nguồn lực cho lĩnh vực này đã được các tổ chức, các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trao đổi và tìm ra giải pháp, Theo đánh giá của các chuyên gia trong Hội Thảo, cảng biển Việt Nam ngày càng lớn mạnh và việc đưa và vận hành các cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, đã đóp góp rất nhiều cho ngành xuất nhập khẩu Việt Nam, điển hình là sự diện cuối năm 2021, Cảng Gemalink đã tiếp nhận được cỡ tàu lớn nhất thế giới (trên 200.000 DWT), đáp ứng được xu hướng tăng kích cỡ tàu trong vận tải hàng hải.


Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, sự đáp ứng của lao động về chất lượng và số lượng vẫn chưa tương xứng với sự phát triển nhanh chóng của cảng biển Việt Nam. Theo đó, nguồn nhân lực cảng biển và logistics còn thiếu và yếu như kỹ năng ngoại ngữ, quản lý khai thác cảng, logistics và chuỗi cung ứng và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin…
Đại diện cho Công ty CP Gemadept, doanh nghiệp Khai thác cảng hàng đầu Việt Nam tham dự hội nghị, bà Tăng Thị Phương Anh, Giám đốc nhân sự Công ty, cho biết kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng đối với lao động trong ngành Khai thác Cảng, với sự phát triển mạnh mẽ của Cảng biển Việt Nam hiện nay, các thiết bị của các cảng mới đều được ứng dụng công nghệ hiện đại, khả năng tự động hóa cao và kết nối chặt chẽ với các phần mềm quản lý và khai thác cảng hiện đại, yêu cầu người vận hành phải có hiểu biết về chuyên môn và kỹ năng ứng dụng công nghệ nhất định để đáp ứng nhu cầu công việc. Yếu tố quan trọng không kém đó là tinh thần kỷ luật cao và thái độ cầu thị, ham học hỏi không ngại khó khăn.
Những năm gần đây, Gemadept đã và đang tích cực trong công tác phát chiển nguồn nhân lực, tiêu biểu làm những hoạt động tăng cường đội ngũ chuyên gia nội bộ, đồng thời đào tạo kỹ năng sư phạm cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức các đợt đào tạo quản lý cấp trung, trong đó có chương trình đào tạo khai thác cảng tại học viện cảng PSA (Singapore) và các khóa học leader mindset và kỹ năng coaching cho nhân viên. Đối với đội ngũ nhân viên mới, Gemadept mở rộng các khóa đào tạo về chuyên môn logistics và kỹ năng sales-marketing. Hơn thế nữa, Công ty đẩy mạnh tổ chức các buổi truyền thông văn hóa, các hoạt động thể thao, ngoại khóa, teambuilding nhằm chăm lo sức khỏe và tinh thần cho CBCNV.

Hướng tới tầm nhìn 2025, để đáp nhu cầu nguồn nhân lực, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra 4 chiến lược phát triển nguồn nhân lực là: Phát triển đội ngũ kế thừa; Đảm bảo nguồn lực chất lượng cao; Phát triển nhóm chuyên gia nội bộ; Phát triển môi trường văn hóa doanh nghiệp đáng tự hào. Đối với mỗi chiến lược này BLĐ Công ty đã có những kế hoạch mục tiêu cụ thể cho từng năm nhằm phát triển nguồn nhân lực bền vững cho Công ty nói riêng và Ngành Cảng biển và Logistics Việt Nam nói chung.
Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh sự chủ động từ phía Doanh nghiệp thì Nhà Nước và hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trường nghề đóng vai trò rất quan trọng. Các bên cần liên kết các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với nhau thì chúng ta mới có được đội ngũ nhân lực ngành logistic đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.